Bác Hồ với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

23/09/2021 - 15:03
489

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Tiếp thu từ học thuyết của Mác về Đảng Cộng sản và trực tiếp từ học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã được Lênin đưa ra từ những năm đầu của thế kỷ XX, căn cứ những điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/2/1930. Quá trình thành lập Đảng, Người đã nêu ra nhiều luận điểm mới, phát triển thêm nhiều vấn đề rất cơ bản, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng Cộng sản, đặc biệt là việc thành lập Đảng Cộng sản ở những nước lạc hậu và phụ thuộc…như Việt Nam chúng ta lúc bấy giờ.

Từ luận điểm phải kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để hình thành Đảng Cộng sản, Bác Hồ đã đi đến kết luận: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (tháng 2/1951), Người đã khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Khi miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, năm 1961, luận điểm đó vẫn được Bác Hồ nhắc lại: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”.

Quán triệt tư tưởng của Bác, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng tiếp tục khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đồng thời nêu rõ: “…Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc, Đảng tìm thấy nguồn sức mạnh không chỉ ở giai cấp công nhân mà còn ở các tầng lớp nhân dân lao động, ở cả dân tộc. Cũng từ đó nhân dân lao động và cả dân tộc đã thừa nhận Đảng ta là người lãnh đạo, người đại biểu chân chính cho quyền lợi cơ bản và thiết thân của mình”.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chủ nghĩa làm cốt theo Bác chính là chủ nghĩa Mác - Lênin. Viết về chủ nghĩa Mác - Lênin đối với Đảng ta, Bác Hồ đã khẳng định nó “là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”.

Từ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản mà Lênin đã đề ra, Bác Hồ đã đề cập những nguyên tắc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh: Tập trung dân chủ, là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa phát huy sức mạnh của tất cả những ai đã tự nguyên gắn bó với nhau trong một tổ chức. Người gọi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Theo Bác Hồ, phải tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đó là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã phân tích rất rõ về nguyên tắc này, và kết luận: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau”.

Liên hệ với vấn đề dân chủ tập trung, Người có một giải thích rất mới mẻ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”.

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cọi trọng. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là luật phát triển của Đảng. Bác nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Trong tự phê bình và phê bình, Người luôn nhắc nhở “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Bác Hồ rất coi trọng việc xây dựng trong Đảng một kỷ luật nghiêm minh và tự giác để tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng. Người đã nói: “Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”. Yêu cầu cao nhất của kỷ luật Đảng là chấp hành các chủ trương, nghị quyết, điều lệ của Đảng và tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng. Có như vậy, Đảng mới là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động. Nếu không, “Đảng sẽ xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bế tắc”.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguyên tắc được Người quan tâm đặt ra ngay từ khi thành lập Đảng và đã dày công xây đắp trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng để làm nòng cốt cho việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân. Tư tưởng đoàn kết toàn Đảng, toàn dân là một tư tưởng lớn của Bác Hồ.

Tình hình càng phát triển, nhiệm vụ càng nặng nề, càng đòi hỏi phải củng cố và tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong toàn Đảng, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, bởi lẽ sự đoàn kết thống nhất của cán bộ lãnh đạo có ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất của nhiều cán bộ, đảng viên, đến toàn Đảng. Bác Hồ nhấn mạnh: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”.

Trước lúc đi xa, Người đã Di chúc lại cho toàn Đảng, toàn dân ta điều mà suốt cuộc đời mình dày công xây đắp: “…Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc thật sự trong sạch vững mạnh, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, ngày 30/10/2016, đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa” trong nội bộ, để xây dựng, “giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh”, xứng Đáng là một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và dân tộc, một Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, một Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.

Học tập và làm theo Bác, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng chương trình cụ thể, trong đó có đề án đổi mới, nâng cao chất lượng sinh soạt chi bộ cơ sở. Cấp ủy các Đảng bộ trực thuộc, các Đảng ủy cơ sở đã phân công cán bộ chủ chốt trực tiếp dự sinh hoạt hằng tháng với các chi bộ. Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ với các chi bộ cơ sở bằng hình thức trực tuyến... nhằm “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao vai trò và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy”, nhất là Đảng ủy cơ sở và cấp ủy chi bộ dưới cơ sở.

Nguồn: https://tuyenquang.gov.vn/

bình luận

Tìm kiếm
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số 63/GP-TTĐT ngày 25/7/2016 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Khánh Thị Xuyến - Chánh Thanh tra tỉnh

Số 158, Đường Trần Hưng Đạo, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang

Điện thoại: 02073.822 457 - Fax: 02703.822 457 - Email: thanhtra@tuyenquang.gov.vn

© 2019 - Bản quyền thuộc về Thanh tra tỉnh Tuyên Quang.
Ghi rõ nguồn Thanh tra tỉnh Tuyên Quang và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang