Hai vụ án kinh tế khác cũng sắp đưa ra xét xử là vụ FLC về các tội: thao túng thị trường chứng khoán; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Hay vụ Tân Hiệp Phát, với hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".. Một điểm chung trong các vụ án trên là mối quan hệ chằng chịt giữa quan chức và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; quy mô, mức độ nghiêm trọng của các vụ án tham nhũng, tiêu cực ở khu vực tư là rất lớn.
Có thể thấy, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước là hết sức cần thiết, xuất phát từ thực tế là rất nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực gần đây có sự móc nối giữa công và tư, sự tiếp tay của các quan chức thoái hóa trong bộ máy nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi. Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhấn mạnh: từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, khẩn trương khắc phục các sơ hở trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán...
Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là khu vực công hay tư. Việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước chính là để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, bảo vệ doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính. Đồng thời, cũng chính là đánh vào chỗ tham nhũng công đang "ẩn náu" ở khu vực tư bảo đảm những "vòi bạch tuộc" chằng chịt giữa khu vực công và tư phải chặt đứt hẳn, để góp phần chống tham nhũng, tiêu cực thành công.
Theo Báo Tuyên Quang