Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, đơn vị liên quan.
Qua 5 năm thực hiện, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình mới theo chủ trương “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ban, ngành, địa phương được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, có những chuyển biến tích cực, toàn diện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trong kỳ, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 658.383 tỷ đồng, 28.321 ha đất; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng, 5.516 ha đất; ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng.
Về công tác gải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 1.178.622 đơn các loại; đã xử lý 1.133.558 đơn. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 78.448 tỷ đồng, 226 ha đất; khôi phục đảm bảo quyền lợi cho 1.199 tổ chức, 3.225 cá nhân; kiến nghị xử lý 2.583 người; chuyển cơ quan xử lý 123 vụ, 140 đối tượng.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra những hạn chế, tồn tại và góp ý kiến vào giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tham những trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào các giải pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và việc phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công…
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị thời gian tới, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng; quán triệt và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mội nguồn lực cho phát triển.
Trong đó, ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương; tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo các quy định của pháp luật chặt chẽ không để sơ hở cho việc lợi dụng tham nhũng tiêu cực.
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò xã hội trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng…
Nguồn: Báo Tuyên Quang