Sự kết tinh tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người

21/04/2019 - 16:58
416

Di chúc(1) của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động và sáng tạo của Người đã cho thấy rõ: Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể toàn vẹn, chân thực, sống động, uyên bác, uyên thâm và cũng vô cùng giản dị, bình dị, gần gũi với con người, với đời sống thường nhật.

Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta ngày càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Từng bước một, chúng ta đã nhận rõ giá trị, tầm vóc và ý nghĩa nhiều mặt của tư tưởng - bộ phận cốt lõi về lý luận trong di sản của Người.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện không chỉ trong các tác phẩm, văn phẩm của Người mà còn đặc biệt sống động trong hoạt động thực tiễn đa dạng, phong phú mà Người đã trải nghiệm. Tư tưởng, đạo đức, phong cách ấy được thể nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng hơn 6 thập niên, trong đó, hai mươi bốn năm liền Người là Chủ tịch nước (1945 - 1969), Người còn được bầu làm Chủ tịch Đảng tại Đại hội II (năm 1951) và Đại hội III (năm 1960). Giữ cương vị cao nhất cả trong Đảng và Nhà nước một thời gian dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi quyền lực do Đảng và do nhân dân ủy thác với một tinh thần dân chủ hiếm thấy ở các lãnh tụ, với đạo đức trong sáng, mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ở ngoài vòng danh lợi để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Suốt đời, Người chống chủ nghĩa cá nhân vụ lợi vị kỷ, hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống riêng tư để thực hành “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “tinh thần đoàn kết”, chỉ làm điều lợi cho dân, tránh mọi điều hại tới dân. Người không chỉ nêu gương mà còn giúp cho mọi người noi gương, làm điều tốt, tránh điều xấu, gợi mở, thức tỉnh, động viên và thúc đẩy con người hướng thiện, hoàn thiện bản thân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền; gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Bản thân Người là một điển hình mẫu mực về thực hành đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đem cả tâm nguyện lẫn hành động để một đời Ái Quốc, trọn đời Ái Dân. Đến phút chót, lúc ra đi, Người không có điều gì phải ân hận, chỉ có một nỗi niềm “tiếc rằng, không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Do đó, có thể nói, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng gắn liền với đạo đức, tư tưởng đạo đức trở thành hành động đạo đức, thể hiện một cách cảm động qua hành vi, lối sống của Người và trở thành phong cách nổi bật của Người.
Những tư tưởng lớn và đạo đức, thực hành đạo đức cách mạng trong Di chúc
Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc cần nhấn mạnh vào bốn điểm cốt yếu, quan trọng nhất, đó là: Tư tưởng về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tư tưởng về chăm lo tới con người; tư tưởng về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau chiến tranh; tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và đổi mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lớn các quan điểm, nguyên tắc về những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, về đường lối và phương pháp cách mạng. Và trong Di chúc của Người, các quan điểm và nguyên tắc đó được thể hiện tập trung ở quyết tâm chiến lược đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ở niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.
Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc con đường và quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc mà mục tiêu, lý tưởng cách mạng đều hướng tới hệ giá trị cốt lõi: độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong Di chúc, những tư tưởng đó được cụ thể hóa và tập trung nổi bật vào cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vào thực hiện thống nhất nước nhà, “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, nhất định phải được giải phóng hoàn toàn để Nam Bắc là một nhà, toàn dân sống trong hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng nền dân chủ để nhân dân làm chủ và trong Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh đến trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ đảng viên trước Đảng, trước nhân dân. Nổi bật là “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”, Người cho rằng trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng và chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, nhất là thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh - liệt sĩ và những người có công, các gia đình có công với nước. Người từng nói, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ là đạo lý và đạo nghĩa lớn nhất.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân văn và văn hóa, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa; “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng một xã hội văn hóa cao”, làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, “Đảng là đạo đức, là văn minh”... Trong Di chúc, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, ra sức thực hành dân chủ và cần kiệm liêm chính để xứng đáng là người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân, xứng đáng là người lãnh đạo của nhân dân. Di chúc đề cập đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết mà Đảng phải đặc biệt quan tâm. Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải chú trọng tạo mọi điều kiện giúp đỡ chị em phụ nữ, làm cho họ tiến bộ và trưởng thành, kể cả tham gia đời sống chính trị, bản thân chị em phụ nữ phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti và mặc cảm. Giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ là thước đo của tiến bộ và phát triển xã hội, thực sự là một cuộc cách mạng bình quyền. Trong Di chúc, Người cũng căn dặn tỷ mỷ công tác thương binh - liệt sĩ, thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, giáo dục tinh thần yêu nước, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Nội dung tư tưởng trong Di chúc đã thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có bản chất và đặc trưng nổi bật là khoa học - cách mạng và nhân văn. Về hình thức, Di chúcchỉ có 1.000 từ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn. Đó thực sự là một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của một dân tộc đã “đánh thắng hai đế quốc to”, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, trù tính cho tương lai đất nước, sau khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi đi vào kiến thiết, xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân.
Trong các mối quan hệ lớn của đổi mới và phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý để nhân dân làm chủ.
Những tư tưởng lớn trong Di chúc đã và đang soi sáng con đường đi và sự nghiệp của chúng ta ngày nay. Những tư tưởng đó ở tầm chiến lược là những chỉ dẫn cho việc Đảng xác định đường lối, phương hướng, nhiệm vụ, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, đưa đất nước ta ổn định, phát triển bền vững và hiện đại hóa. Đó cũng là sự nhận thức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta hiện nay.
Đạo đức là điểm nổi bật, nổi trội cả trong tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Đạo đức được đề cập trong Di chúc là đạo đức cách mạng với hệ chuẩn mực giá trị cần kiệm liêm chính và chí công vô tư. Đó là đạo đức hành động. Điểm đặc biệt nhấn mạnh về đạo đức trong Di chúc là đạo đức của cán bộ, đảng viên, đạo đức trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, giữa Nhà nước với nhân dân, sự quan tâm chăm sóc của Đảng đối với giáo dục đạo đức trong các tầng lớp nhân dân, sự nhất quán thành thực, khiêm nhường và sự tinh tế trong ứng xử của Người.
Phong cách Hồ Chí Minh trong Di chúc
Từ thế kỷ thứ XVIII, Buýp Phông, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp đã để lại một câu nói nổi tiếng: “Phong cách chính là con người”. Nhà văn xô-viết vĩ đại, Mắc-xim Goóc-ki cũng từng nhấn mạnh “Văn học là nhân học”. Phong cách là con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trường hợp tiêu biểu, điển hình cho nhận định ấy.
Nói tới phong cách là nói tới một hệ thống, từ phong cách tư duy, phong cách trình bày, diễn đạt (nghĩ, nói và viết), phong cách làm việc đến phong cách ứng xử, đặc biệt là ứng xử với mình, với người, với việc. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc nổi bật ở những điểm sau:
Một là, thể hiện một năng lực và bản lĩnh văn hóa sâu sắc và tinh tế: chữ ít nhất mà nghĩa nhiều nhất, hàm súc, cô đọng, mang phong cách hiền triết Á Đông và đậm bản sắc Việt Nam. Phong cách này được thể hiện ở nhiều đoạn, chỉ riêng về chủ nghĩa xã hội, Di chúc nói ít nhất về chủ nghĩa xã hội, xét về phương diện ngôn ngữ, chỉ có hai lần dùng từ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội nhưng lại nói được nhiều nhất về chủ nghĩa xã hội, xét về phương diện nội dung tư tưởng. Toàn bộ tinh thần và lời văn trong Di chúc đã nói được quan niệm hiện đại của Người về chủ nghĩa xã hội, bản chất, đặc trưng, mục tiêu và phương thức đi tới chủ nghĩa xã hội: từ phát triển kinh tế và văn hóa, từ quản lý xã hội, chính sách xã hội, từ con người đến tổ chức, từ dân tộc đến quốc tế, từ xã hội đến môi trường, từ xây dựng chủ nghĩa xã hội đến bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Di chúc không chỉ là một văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng của Đảng vì có chữ ký xác nhận của người đứng đầu Trung ương, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn mà còn là một tác phẩm văn chương đặc sắc như một áng thiên cổ hùng văn xứng đáng có mặt trong các Quốc bảo. Với Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa chữa công phu, cân nhắc đến từng chi tiết, sử dụng ngôn từ chính xác và tinh tế qua những sửa chữa trong diễn đạt của Người (tro/xương; đất/đất ruộng; cụ Đỗ Phủ/ông Đỗ Phủ; còn sống và phục vụ được mấy tháng, mấy năm nữa/mấy năm mấy tháng nữa/ bao lâu nữa...)(2).
Hai là, thể hiện một tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào thắng lợi. “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Ba là, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng. Di chúc hàm chứa tư tưởng đổi mới và hội nhập, phải làm những việc cấp bách, trước mắt mà cũng lo toan những trù tính chiến lược trong tương lai, kế hoạch xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Đó chính là mục tiêu sâu xa và động lực căn bản của chủ nghĩa xã hội đã được đề cập trong Di chúc. Đó đơn giản cũng là chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, lấy con người làm mục tiêu và động lực, mà quan trọng và trực tiếp nhất là phải bảo đảm lợi ích và dân chủ, là thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng.
Bốn là, thể hiện sự khoáng đạt, cởi mở, hài hòa, nhân ái, vị tha, khoan dung, độ lượng và thủy chung tình nghĩa. Đó là sự hoàn chỉnh Chân - Thiện - Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động, có sức cảm hóa lay động muôn triệu trái tim Người.
Năm là, thể hiện một nhân cách vĩ đại và cao thượng. Di chúc bộc lộ những dằn vặt đau đớn của Người về tình trạng bất hòa giữa các đảng anh em. Người rất ít khi nói tới nỗi đau, vậy mà trước khi ra đi, Người đã phải nói rõ nỗi lòng mình “Càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Ta hiểu, phải dằn vặt đêm ngày, phải đau nỗi đau như có máu và nước mắt, Người mới phải thốt lên như vậy. Và Người cũng “tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Nỗi đau nhân sinh thế sự và niềm tin này là của một nhân cách vĩ đại và cao thượng - Hồ Chí Minh.

Cao hơn tất cả, Di chúc đã thể hiện đức tính khiêm nhường cao quý và tình thương bao la của Người, Người chỉ coi đây là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí, cho đảng viên và cán bộ, cho bạn bè đồng chí gần xa, quốc tế, thế giới và nhân loại. Người ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không có điều gì phải ân hận. Người chỉ tiếc là tiếc rằng “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” chứ không phải không được sống lâu hơn nữa như một lẽ thường tình. Đây là nơi kết đọng sự sâu sắc, cao cả của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn của Hồ Chí Minh, suốt một đời chỉ biết hy sinh và dâng hiến./.


------------------------------------------------------
(1) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 621 - 624
(2) Xem: Di chúc viết năm 1965, 1968, 1969

Hoàng Chí Bảo
GS, TS, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

bình luận

Tìm kiếm
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số 63/GP-TTĐT ngày 25/7/2016 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Khánh Thị Xuyến - Chánh Thanh tra tỉnh

Số 158, Đường Trần Hưng Đạo, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang

Điện thoại: 02073.822 457 - Fax: 02703.822 457 - Email: thanhtra@tuyenquang.gov.vn

© 2019 - Bản quyền thuộc về Thanh tra tỉnh Tuyên Quang.
Ghi rõ nguồn Thanh tra tỉnh Tuyên Quang và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang