Trong những năm qua, Thanh tra tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thống nhất chương trình thanh tra đối với DN thế nào, thưa bà?
Công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN là một nội dung được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể tại Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 20/5/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giao trách nhiệm cho Thanh tra tỉnh “Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thường xuyên rà soát, xử lý tránh để chồng chéo trong hoạt động thanh tra đối với các DN, thực hiện thanh tra đối với DN không quá 01 lần/năm”.
Thanh tra tỉnh đã cụ thể hóa nhiệm vụ nêu trên tại Chương trình công tác và kế hoạch thanh tra hàng năm. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn ngành Thanh tra xây dựng, xử lý chồng chéo và triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Toàn tỉnh không xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN. Để hỗ trợ các DN gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, ngành Thanh tra đã điều chỉnh giảm 266 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Từ năm 2022, Thanh tra tỉnh đã triển khai toàn ngành phần mềm Lập kế hoạch và xử lý chồng chéo nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nhất là đối với DN. Hiện nay, Thanh tra tỉnh đang trình UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng phần mềm lập kế hoạch thanh tra và xử lý chồng chéo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra và giữa thanh tra với Kiểm toán Nhà nước trong xây dựng, xử lý chồng chéo kế hoạch thanh tra cũng được tăng cường.
Từ năm 2021-2023, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các đơn vị xử lý chồng chéo đối với 404 DN. Đến nay Thanh tra tỉnh không nhận được ý kiến của DN phản ánh về việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
Thời gian tới, Thanh tra tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, Chỉ thị số 10/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trên nguyên tắc đảm bảo công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra DN phải chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, không chồng chéo, trùng lặp, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định cho các DN.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - ông Nguyễn Văn Sơn tiếp công dân định kỳ hàng tháng
Công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, đảm bảo khách quan, chất lượng, hiệu quả; tăng cường đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ đã được chú trọng ra sao, thưa bà?
Hiện tại 100% các cuộc thanh tra đều được giám sát hoạt động đoàn thanh tra thông qua 02 hình thức chủ yếu là người ra quyết định thanh tra trực tiếp giám sát và giao cho công chức Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra thực hiện giám sát. Căn cứ nội dung, mức độ phức tạp của cuộc thanh tra sẽ quyết định hình thức giám sát cho phù hợp. Việc giám sát được triển khai ngay từ khi công bố quyết định thanh tra với các nội dung theo đúng Thông tư số 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt.
Đến nay, qua hoạt động giám sát không có trường hợp vi phạm pháp luật, quy tắc ứng xử và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra. Không phát sinh khiếu nại, tố cáo, đề nghị liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra, chất lượng kết luận thanh tra, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra cũng được Thanh tra tỉnh quan tâm thực hiện. Thanh tra tỉnh đã chỉ đạo Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh tra thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra cũng như việc xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm. Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2023, đã hoàn thành 28/29 kết luận thanh tra, đạt 96,5%; trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước 20,6 tỷ đồng, xử lý khác về kinh tế 18,5 tỷ đồng, kiểm điểm 221 tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra cho thấy, chất lượng các cuộc thanh tra ngày càng được nâng lên, nhiều sai phạm về kinh tế được phát hiện, kết luận chính xác, cụ thể, rõ ràng, khách quan, công khai, đúng quy định của pháp luật; trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm được chỉ rõ, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý. Cơ bản các đối tượng thanh tra đã thực hiện nghiêm túc quyết định xử lý về kinh tế, khắc phục, chấn chỉnh kịp thời các kiến nghị trong công tác quản lý nhà nước.
Thanh tra tỉnh Tuyên Quang công bố Quyết định thanh tra đối với tổ chức, doanh nghiệp
Bà có thể chia sẻ một số giải pháp nâng cao cải cách hành chính (CCHC) ngành Thanh tra trong thời gian qua?
CCHC được Thanh tra tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Thanh tra tỉnh đã triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến; tham mưu UBND tỉnh giải pháp tiếp công dân trực tuyến; hiện nay đang trình UBND tỉnh ban hành Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Số TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra tỉnh là 24 thủ tục. Từ năm 2021 - 2023 đã rà soát, kiến nghị đơn giản hóa 13 TTHC. Thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch và chuẩn hóa TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Thanh tra tỉnh đã giải quyết hồ sơ TTHC phát sinh đảm bảo thời gian, không có hồ sơ trễ hạn. Hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được công khai đúng quy định, tỷ lệ số hóa đạt 43,3%. Đến nay, Thanh tra tỉnh không nhận được phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan.
Thời gian tới, Thanh tra tỉnh tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác CCHC, trọng tâm là đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; tăng tỷ lệ số hóa; tổ chức tiếp công dân trực tuyến; hoàn thành kết nối phần mềm Lập kế hoạch thanh tra và xử lý chồng chéo vào Cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh; phát triển các ứng dụng số, nền tảng số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vietnam Business Forum