Tổ công nghệ số cộng đồng thúc đẩy chuyển đổi số từ cơ sở

Thứ Bảy, 20/1/2024 - 11:54 Đã xem: 157

Được ví như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, huyện, Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã và đang phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở.

 Chị Ngô Phương Anh, Bí thư Đoàn phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) hiện đang là thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của phường. Thời gian qua, chị đã cùng với các thành viên trong tổ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như bảo hiểm xã hội số, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thanh toán điện nước, hướng dẫn lập tài khoản và nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tải và sử dụng ứng dụng VNeID… Trên cương vị là Bí thư Đoàn phường, chị Phương Anh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các chương trình, hoạt động của đoàn, như: Triển khai các hoạt động của Đoàn phường thông qua nhóm zalo; thành lập trang faceboook “Đoàn phường Mỹ Lâm” để đăng tải các tin bài, clip, hình ảnh tuyên truyền hoạt động của đoàn…

Anh Phạm Văn Hợi (bên phải), Giám đốc HTX chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương)

hướng dẫn thành viên HTX sử dụng tiện ích trên điện thoại thông minh để đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi.

Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX chăn nuôi gia cầm Hợp Thành là thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành. Theo anh Hợi, ứng dụng công nghệ số vào công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày đã mang đến cho anh nhiều thuận lợi. Thay vì trước đây, anh phải ghi lịch tiêm vắc-xin cho đàn gà vào sổ theo dõi thì hiện tại anh có thể đặt lịch hẹn tiêm trên chiếc điện thoại thông minh đúng ngày với đúng loại vắc-xin.

Bên cạnh đó, anh cũng hướng dẫn 14 thành viên trong HTX cài đặt ứng dụng zalo để trao đổi kinh nghiệm hay triển khai các công việc của HTX. Việc giao dịch, mua bán của các bạn hàng, đối tác trong chăn nuôi và tiêu thụ gà thương phẩm cũng được trao đổi zalo. Nhờ việc ứng dụng công nghệ đã giúp việc chăn nuôi của anh Hợi và các thành viên trong HTX trở nên đơn giản, thuận tiện, đem lại hiệu quả rõ rệt.

Tổ công nghệ số cộng đồng góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 13/5/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh về tổ chức triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện, thành phố, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân, thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số và trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng,… giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng với 10.257 thành viên. Tỷ lệ Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100% và 100% các thành viên trong tổ đã được tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng số cơ bản.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các huyện, thành phố, Tỉnh đoàn, các doanh nghiệp viễn thông và các xã trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong tổ, bảo đảm các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến người dân.

Với sự tuyên truyền, hướng dẫn từ các Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Những khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số đã giảm bớt nhờ sự hỗ trợ tích cực của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Bà Hà Thị Hương, tổ 18, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ, mặc dù có điện thoại thông minh nhưng trước đây bà chủ yếu chỉ dùng để nghe, gọi. Sau khi được các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền về chuyển đổi số, hướng dẫn tận tình cách thức sử dụng các phần mềm công nghệ số, bà đã hiểu hơn về lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, đồng thời nâng cao trách nhiệm của bản thân trong tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Hiện bà đã sử dụng thành thạo các chức năng của chiếc điện thoại thông minh. Ngày nào bà cũng truy cập mạng Internet để xem các chương trình thời sự, giải trí, đọc tin tức, kết nối trò chuyện với con cháu qua các ứng dụng mạng xã hội.

Đoàn viên Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn kiến thức, kỹ năng số

cho các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 251.500 tài khoản Mobile Money, ví điện tử đang hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%. Có 904 doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử với 2.456 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành. 100% cơ sở khám chữa bệnh được trang bị đầu đọc thẻ để triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đã kích hoạt thành công tổng số 415.511 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được cấp phép khác đạt trên 84%...

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Các Tổ công nghệ số cộng đồng khi từ khi hoạt động đến nay đã làm tốt vai trò của mình. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi số cho người dân được thực hiện linh hoạt thông qua các nhóm zalo hoặc các buổi họp tại khu dân cư. Đến nay, người dân đã quen dần với khái niệm chuyển đổi số, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.

Tuy nhiên, hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp một số khó khăn, trở ngại như: Vấn đề hạ tầng công nghệ số ở cơ sở chưa đồng bộ; tỷ lệ người dân chưa có điện thoại di động thông minh còn cao…

Để hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, hiệu quả, trong thời gian tới, tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho đội ngũ chuyên trách tham mưu, thực hiện công tác chuyển đổi số, cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số…

Đoàn viên, thanh niên Thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng số

Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến cuộc sống của tất cả mọi người thực chất hơn, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Nguồn: Tuyenquang.gov.vn

Xem tin theo ngày:   / /