Thay đổi từ thói quen tới nhận thức

Thứ Sáu, 15/3/2024 - 14:52 Đã xem: 132

Tác hại của rác thải nhựa, trong đó có túi ni lông đã được các nhà khoa học toàn cầu đánh giá, tuy nhiên, nhận thức của đa số người dân chưa thay đổi.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình vẫn duy trì thói quen sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày. Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, người bán hàng vẫn dùng túi ni lông đựng hàng hóa cho khách hàng. Tác hại của rác thải nhựa, trong đó có túi ni lông đã được các nhà khoa học toàn cầu đánh giá, tuy nhiên, nhận thức của đa số người dân chưa thay đổi.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam hiện chiếm từ 8 đến 12% chất thải rắn sinh hoạt. Thống kê cho thấy, nếu trung bình 10% lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa này có thể đạt gần 2,5 triệu tấn/năm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Túi ni lông cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe con người. Tác hại của túi ni lông khi bị đốt sẽ tạo ra khí dioxin và furan, đây là hai loại khí độc có thể gây ngộ độc, suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh ở trẻ, thậm chí là ung thư.

Khi túi ni lông được thải ra môi trường, chúng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, chúng sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai giảm thiểu túi ni lông khó phân hủy thay thế 100% bằng túi tự hủy sinh học, túi môi trường trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong các siêu thị lớn. Các siêu thị đã áp dụng các chương trình khuyến mãi tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần như làn nhựa, túi vải, túi giấy.

Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Sau 2030, chúng ta sẽ cấm toàn bộ, kể cả chợ dân sinh, sẽ không tiêu thụ túi ni lông. Người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi từ thói quen đến việc nhận thức đúng về tác hại của túi ni lông, tiến tới không sử dụng túi ni lông trong đời sống hàng ngày.

Theo Báo Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /